<bgsound src="/Nhac Truyen Ngan.mp3"/> Le Dinh



E-mail:
[email protected]






Tác giả:

TRẦN BÌNH












“Soi gương mặt nước, biết mình đẹp xấu
Soi gương người xưa, biết việc dữ lành” (Tục ngữ)

Ngụy chiêu vương băng hà. Ngụy hi vương lên thay, phong Lữ Phong Nhĩ làm tướng quốc - Ngụy vô kỵ , tước Tín lăng quân. Giòng họ Lữ suốt 30 năm thờ nhiều trào vua Ngụy. Lữ phong Nhĩ là kẻ tham lam, gian xảo, thâm hiểm và ác độc… nhưng giỏi nịnh hót, luồn cúi nên rất được vua tin dùng. Ai không theo Lữ là Lữ gièm pha với vua. Có người bị xử hình, có người bị tù tội hoặc bị đày đi biên ải … Triền thần ngán sợ. Lữ Phong Nhĩ giàu có muôn hộ, ngựa xe mấy trăm cổ, dinh cơ đồ sộ, của cải chất đầy kho đụn, gia nhân hàng ngàn người ngày đêm phục dịch, gái đẹp hầu non kể sao cho xiết…

Lữ càng ngày càng lộng quyền. Bên trong - khống chế triều thần. Bên ngoài - đem hàng ngàn dật vàng, ngựa xe và đồ bảo vật lo lót cho Tần vương để cậy nhờ hậu thuẩn.Thần dân trăm họ than van, rên siết. Sĩ phu bị trấn áp. Kẻ sĩ hết đất dung thân, chạy trốn sang Tần,Triệu,Yên rất nhiều…Lữ cho thuộc hạ đi khắp dân gian, giăng màn lưới bao trùm từ thành thị tới thôn quê, để bắt bớ kẻ làm phản, thủ tiêu kẻ chống đối. tiêu diệt mầm móng phản loạn. Tần cam kết bảo vệ địa vị của Lữ và những người theo Lữ - nhưng mặt khác buộc Lữ phải chấp nhận những nhượng bộ về đất đai, sông biển và nhiều đòi hỏi trên các lãnh vực khác. Trong số bỏ trốn ra ngoài - Lữ cài người làm nội tuyến để củng cố chiếc ghế của mình.

Danh vọng tuyệt đỉnh. Oai chấn chư hầu. Võng lọng xênh xang. Vàng bạc, châu báu chất đầy kho... Ba đời ăn không hết. Chư hầu không dám động binh đánh Ngụy vì ngán Tần. Nhưng Tần đã có lần sai Vệ Ưởng dùng mưu gạt Công Tử Ngang để xua quân bất ngờ đánh úp, Ngụy thua to. Quân của Ngụy huệ Vương vừa thua Tề nay lại thua Tần nên phải cắt đất Hà Tây dâng cho Tần để cầu hòa. Thế của Ngụy đối với Tần như thế lưởi gươm treo trên cổ.

QUỶ CỐC TIÊN SINH…

Một hôm có một đạo sĩ râu tóc bạc phơ…ăn mặc lôi thôi , đi ngang qua phủ Tướng quốc, bỗng dừng lại ngó lên trời rồi lẩm bẩm: “Vận số nhà Ngụy đã đến hồi nguy khổn”. Bèn xin vào bái kiến quan Tướng quốc. Lính đuổi đi, không cho vào. Lão đạo sĩ ngồi lì trước cổng, nhứt định không đi. Lữ Tể Tướng nghe xôn xao ngoài ngõ, bèn bước ra xem. Thấy người ăn mặc rách rưới, nhưng phong thái ung dung, nho nhã, Lữ tướng quốc mời vào, hỏi:

- Tiên sinh bỗng nhiên hạ cố quang lâm, ắt có điều chỉ dạy.

- Thưa Ngài, chỉ dạy thì không dám. Nhưng tình cờ đi ngang qua đây, lão phu thấy quanh tướng phủ, âm khí nặng nề, tỏa ra hơi lạnh rợn người. Lão phu mạo muội ghé thăm Ngài. Xin Ngài tha lỗi cho sự đường đột nầy.

- Tiên sinh đừng khách sáo. Lâu nay – ta là người trọng hiền đãi sĩ . Tiên sinh bất ngờ quá bộ đến đây – lại thấy tướng phủ ta có nhiều âm khí - Phải chăng có điềm không lành? Xin tiên sinh cho biết rõ đó là điềm hung hay kiết?

- Thưa Tướng quốc: Âm khí thuộc âm khác với ánh sáng thuộc dương. Âm khí là bóng tối, là cõi âm - cõi của ma quỷ, của oan hồn uổng tử. Lão phu trộm nghĩ đó là những linh hồn của những người bị giết oan nên uất ức chưa siêu thoát được. Giữa ban ngày mà có nhiều âm khí tích tụ như vậy – đó là sự bất tường ,là điềm hung, chứ không phải kiết…

Lão đạo sĩ vừa dứt lời bỗng có một luồng gió lạnh thổi thốc vào tướng phủ. Lữ tướng quốc rùng mình ! Có lẽ lão đạo sĩ nầy đoán đúng : Lâu nay ta theo nguyên tắc “Thà giết oan hơn tha lầm” nên những linh hồn oan khuất, uất ức không siêu thoát được nên về tích tụ quanh ta . Tuy vậy,Lữ tướng quốc kịp thời tự trấn an, hỏi Quỷ cốc Tiên sinh:

- Ta nghe danh tiên sinh đã lâu – nay hân hạnh diện kiến – dám xin tiên sinh cho một quẻ để xem thọ mệnh và vận số tương lai ta ra sao?

- Ngài có lòng hỏi – Lão phu không dám không tuân. Lão đạo sĩ lần lưng lấy ra 2 đồng tiền xủ một quẻ dịch, đồng thời đưa mắt xem tướng của Lữ Thừa Tướng, rồi nói: Thưa Ngài – lão phu không dám giấu giếm: Tướng Ngài là tướng phú quý,giàu sang nhưng trán hẹp, lỗ tai nhỏ sóng mũi thấp và ngắn, mặt lớn và bề ra . Nơi Ngài - ẩn tàng nhiều “phá tướng” nên mệnh Ngài không thọ - theo quẻ dịch của lão phu thì vận số tương lai có nhiều bất trắc.

- Tiên sinh thông hiểu lẽ huyền cơ, xin hỏi: Con người có thể nào sửa lại mệnh số của mình không ?

- Sống chết là do mệnh trời. Không ai cưỡng lại được. Nhưng có câu : “Đức năng thắng số”. Số đây không phải là mệnh số mà là vận số tức là sự thăng trầm của công danh, sự nghiệp. “Trông cậy vào ĐỨC thì hưng thịnh – Trông cậy vào SỨC thì suy vong”. Cái thế hiện tại của Ngài là trông cậy vào sức, cậy vào pháp chế khắc nghiệt, mượn oai thiên tử không chế triều thần, tạo oán khắp nơi, gây lầm than cho thiên hạ. Bên ngoài thì cậy thế nhà Tần – mà Tần thì đầy dã tâm, lâm le nuốt trửng Ngụy. Cho nên cái thế của Ngài là cái thế chỉ mành treo chuông , ngọn đèn trước gió.

- Ta tuy ít học nhưng cũng hiểu được đôi chút kinh sách thánh hiền. Lấy ĐỨC trị dân là điều tốt. Nhưng đời người ngắn ngủi. Nếu trông vào ĐỨC để gầy dựng sự nghiệp, thì biết đến bao giờ? Dùng ĐỨC để cảm hóa - dân thương mà không sợ, nên thường làm phản, khi có quyền lợi. “Chất chứa điều nhân nghĩa để chết đói như Bá Di, Thúc Tề. Trau giồi đức hạnh như Nhan Hồi lại nghèo xơ xác, ăn tấm ăn cám cũng không được no - lại chết yểu. Đạo Chích ngày nào cũng giết người vô tội, nướng thịt người làm chả. bạo ngược phóng túng,họp đảng mấy ngàn người, hoành hành trong thiên hạ mà được chết già - thế cái ĐỨC của Tiên sinh dùng để làm gì”? (2) Ta học hỏi những tư tưởng lỗi lạc của Vệ Ưởng, Ngủ tử Tư, Hàn phi tử rối rút cái tinh hoa mà hành động. Chỉ 2 thiên “Khai” là dùng nghiêm hình thì chính giáo sẽ khai thông, và “Tắc” là dùng ân đức để giáo hóa thi chính sự sẽ bế tắc. Ta đã thuyết phục Ngụy vương dùng bá đạo trị nước , nước Ngụy mới được thanh bình thịnh trị như ngày nay.

- Ngài lầm rồi! cái thanh bình thịnh trị của Ngài là cái thanh bình thịnh trị giả tạo do pháp chế khắc nghiệt, do bạo lực khống chế chứ không phải cái thanh bình của vua Nghiêu vua Thuấn đã một thời lấy đức trị dân, lấy đức nhuần gội,cảm hóa nhân dân, tạo một thời thật sự thanh bình thạnh trị , danh lưu sử sách…

- Đó chỉ là một vài ông vua hiếm hoi. Còn thì dùng chiến tranh bạo lực thôn tính lẫn nhau. Ta đã học được cái bá đạo của Vệ Ưởng nước Tần để trị quốc. Đó là con đường ngắn nhứt để đạt được tột đỉnh vinh quang. Trong nước – ta dùng pháp chế khắc nghiệt của Vệ Ưởng “chia nhân dân thành năm nhà hiệp lại lấy tên là “Ngũ gia liên bảo”, Cha con, chồng vợ phải kiểm soát lẫn nhau,tố giác nhau, chịu liên đới trách nhiệm với nhau. Biết có tội mà không đi tố cáo thí bị chém ngang lưng - giấu giếm tội phạm bị tôi như đầu hàng giặc. cố sức cầy cấy cho thóc lụa gia tăng thì được miển thuế - đi buôn, làm thợ mà luời biếng trở nên nghéo khó thì bản thân và vợ con bị bắt làm nô tì cho nhà quan.”. “Ta làm việc lớn không câu nệ việc nhỏ. Kẻ trí lự siêu việt bao giờ cũng bị kẻ tầm thường chỉ trích. Làm cho nước mạnh thì không cần theo lề lối cũ. Làm được cho dân lợi thì không cần giữ lễ xưa (1). Biện pháp ta được thi hành nghiêm nhặt. Nhà nhà răm rắp tuân theo. Thần dân khiếp sợ, không ai dám hó hé. Ta bây giờ vững như bàn thạch.

- Ngài lại lầm nữa rồi! Chính sự mà Ngài cùng với những người đồng chí hướng của Ngài mang ra thi hành có phải VÌ ĐẤT NƯỚC – VÌ DÂN TỘC không? Lão phu trộm nghĩ đó chỉ là VÌ NGÀI và PHE NHÓM của Ngài thôi! Ngài đã giàu có muôn hộ - phe nhóm của Ngài, vàng bạc cũng đầy tủ, của cải ăn không hết - trong khi dân chúng nghèo xơ xác, không đủ cơm ăn ngay trên mảnh đất cày của mình. Trai lớn lên không việc làm. Gái nhìn tương lai vô vọng, chỉ còn cách đi bán thân. Lão phu đã từng đi vân du khắp sông hồ, hang cùng ngõ hẻm nào cũng tới – thành phố nào cũng qua – nông thôn đồng bằng nào cũng đặt chân đến – lão phu thấy tận mắt cuộc sống lầm than của người dân – nghe tiếng kêu than uất nghẹn của những người bị bọn quý tộc cướp nhà,cướp đất. Mầm móng phản loạn đã manh nha . Xin Ngài Tướng quốc nghĩ kỷ trước khi quá muộn.

- Tiên sinh không biết đó thôi! Tiên đế đã du nhập từ phương xa, phép trị dân “thần sầu quỷ khóc” hơn nhiều… Vệ Ưởng chỉ kiểm soát hành động, khống chế bằng hình phạt. Còn phép trị dân của Tiên đế - ngoài pháp chế của Vệ Ưởng – còn thêm phương pháp “Kiểm soát cái dạ dày và tư tưởng” cọng thêm vũ khí tuyên truyền bằng nói dối và bạo lực. Bạo lực mà không nói dối thì vô hiệu. Nói dối mà không bạo lực thì dân cũng không nghe. Tuyên truyền phối hợp mọi ngành nghề - vừa bưng bít che giấu cái “bất lợi” - vừa phô trương cái “có lợi”. Đó là những cái “tinh hoa” của thuật trị dân bằng bá đạo.

- Lão đạo sĩ trầm ngâm một lúc rồi nói: Ngụy với Tần luôn luôn ở thế sống chết với nhau – Ngài xử trí ra sao?

-Tần là một nước mạnh. Binh hùng tướng dũng, biện sĩ tài ba. Tinh binh hằng trăm vạn. Ta đã dùng vàng bạc, ngựa xe và mỹ nhân đút lót vua Tần để giữ vững ngôi vị của ta. Tần với ta là anh em mà anh em là tứ chi của cùng một thân thể, đã từng thờ chung một ông Tổ. Đất Ngụy với đất Tần là “sông liền sông, núi liền núi”. Đất Ngụy và đất Tần dính liền thành một dãy cũng không có gì trái đạo. Lão đạo sĩ nghiêm nét mặt nói:

- Thưa Ngài Tướng quốc: Xương máu của tiền nhân ta đã đổ không biết bao nhiêu trên từng tấc đất,gang sông. Ngụy là 1 nước có biên cương,có lãnh thổ, có xả tắc, có văn miếu. Ngài là Tướng quốc nước Ngụy, đứng đầu thân dân trăm họ - sao Ngài có thể nói vậy được?

- Bọn phản nghịch nói ta bán nước. Ta nào có bán nước đâu. Chẳng qua ta đem một chút đất, một chút biển để đổi lấy “hoà bình” tránh cho dân chúng khỏi họa chiến tranh chết chóc. Sao gọi là bán nước? Vã lại – dâng đất dâng biển – đâu phải do ta làm mà do Tiên đế và các người tiền nhiệm của ta. Ta chi “cho mướn” một chút đất rừng thôi – đâu có gì quan trọng. Lão đạo sĩ thở dài nghe trong lòng đau đớn trước sự ngụy biện phản quốc ngông cuồng của Lữ Tướng quốc nhưng cố giữ vẻ unbg dung, hỏi tiếp:

- Đối với bọn trốn chạy sang Tần,Yên,Triệu – Ngài có kế sách gì? Bọn đó chỉ là những hạt bụi trong chiếc giày, cọng rơm trong tay áo – không có gì đáng ngại. Vã lại – ta đã cho người lẻn vào hàng ngũ của chúng, giả bộ như người cùng phe với chúng nhưng thật là người của ta cài vào. Ta dùng mồi để nhử, đánh vào thói tham lam ích kỷ lẫn thói háo danh của bọn chúng. Ta tung vàng bạc, danh vọng, gái đẹp, dụ khị những thằng đi nước đôi, những tên háo danh, những thằng nhập nhằng ruồi bu, những kẻ muốn kiếm chút danh còm . Mới đây, khi ta dâng cho Tần một chút biên cương rừng núi… thì lập tức bọn trẻ nhao nhao phản đối, ta đã dập tắt ngay - ngoài nước – bọn đào thoát la lối om sòm. Trong bọn đào thoát – có “người của ta”, có người “không phải của ta” nhưng lại muốn tỏ cho thiên hạ biết mình hiểu biết hơn người nên không ngần ngại lên tiếng phụ họa để trấn an : “Thà mất một chút đất, một chút biển mà có hoà bình còn hơn!”. Kẻ nầy làm lợi cho ta còn hơn “người của ta”. Đó tiên sinh thấy không ? Ta chỉ đưa ra một thí dụ nhỏ, còn nhiều nơi khác, chỗ nào cũng có người của ta. Ngừng một chút để xem phản ứng của lão đạo sĩ, Tướng quốc nói tiếp :

- Gần đây – chúng đem cả Tiên đế ra bêu rếu, hạ bệ thần tượng mà bao năm ta đã dầy công tô vẽ, đánh bóng - nay bên ngoài tuy còn đó - nhưng bên trong thần tượng đó đã bị “soi mòn” và sụp đổ trong lòng dân chúng. Ta biết thế nên tìm cách cho người phản kích lại bằng những luận điệu khôn khéo tinh vi, giả vờ nói theo chúng – nhưng lâu lâu xen vào một câu để hóa giải điều đồng ý với chúng hay lập lờ nói phớt bỏ qua điểm chính và hướng quần chúng đến điểm phụ.Độc giả thường chỉ đọc kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên không nhìn thấu rõ họ . Nói cách khác là giả vờ theo bọn chúng nhưng kỳ thực là để bênh vực che chở thần tượng của Tiên đế. Mục đích là để giữ thần tượng không sụp đổ.

- Lão phu trộm nghĩ cái họa của Ngài gần kề rồi đó. Lão phu lấy làm lo lắng cho Ngài bởi điềm trời đã hiện quanh tướng phủ. Ngài đang có 3 mối nguy:

1 - Cái thế mà Ngài cho là vững chắc đó giống như căn nhà không có nền móng bởi lẽ Ngài không có cái thế của nhân dân.

2 - Sở dĩ Ngài còn đó là vì Tần còn lợi dụng, sai khiến được Ngài. Ngụy vương cũng chưa dứt Ngài ra được vì sợ Tần tấn công. Tần có dã tâm muốn nuốt trửng Ngụy mà không cần động binh mà Ngài là con cờ tốt nhứt để thực hiện mộng xâm lăng đó. Ngày nào Ngài dùng dằng không thi hành yêu cầu của Tần hoặc giả nhân dân nổi lên mà Ngài không dẹp nổi – thì nhứt định tai họa tới cho Ngài – ngay cả sinh mạng của Ngài cũng chưa chắc giữ nổi.

3 - Lòng dân bị cướp đất cướp nhà oán hận ngút trời xanh,ngấm ngầm chống đối. Triền thần ganh ghét. Họ ganh tị sự giàu có muôn hộ, oán hờn Ngài đã xử tử ông cho của họ.

Cái họa đã gần kề - nếu không rút lui về nơi thôn dã,vui thú điền viên ,sống với cái gia tài kếch xù và cái tước của vua ban – thì e rằng không kịp nữa…

Tục ngữ có câu: “Mặt trời đứng bóng là mặt trời xế, mặt trăng đầy là mặt trăng vơi . Hết tuần thới lai thì lại tới cơn bỉ cực. Đó là cái lý biến dịch muôn đời của của càn khôn vũ trụ . Đó cũng cái lẽ lớn nhứt của vận số con người. Cho nên tiến, thoái , khuất , thân – tùy thời mà thông biến – Đó là cái lẽ sống còn của người cầm quyền đó”.

Lão phu trộm nghĩ: Đối với Ngụy vương, công trạng của Ngài:

- Không bằng Vệ Ưởng đối với Tần Vương - Thế mà chung cuộc Vệ Ưởng bị tội “ngũ mã phanh thây”.

- Không sánh được với Bạch Khởi : “Một tay cầm quân mấy vạn đánh Sở hạ thành Yên, đốt Di lăng, đánh Triệu làm cỏ hơn 40 vạn sanh linh ở Trường Bình, máu chảy thành sông, sôi vang như sấm, dựng nên nghiệp bá cho Tần xây nghiệp cho Tần Vương. Rốt cuộc, công thành rồi được vua ban ân tự sát bằng gươm ở Đổ Bưu”.

- Cũng không bằng Ngô Khởi - một tướng lãnh tài ba, sống khắc khổ với mình,công bằng với người, ăn mặc y như lính ở cấp thấp nhứt, ngủ không trải chiếu, đi không dùng xe nhưng rốt cuộc cũng bị bọn triều thần nổi loạn bắn chết bên thây Sở Điệu Vương.

- Công Ngài cũng không sánh được với Đại Phu Văn Chủng giúp Việt Vương gở mối nguy ở Cối Kê (năm 502) chuyển mất thành còn, chuyển nhục thành vinh, giúp Việt Vương nên nghiệp bá. Thế mà Việt Câu Tiển trở mặt giết chết .

Nay công của Ngài không đáng là bao mà lại ở ngôi cao chót vót, tuyệt đỉnh quyền uy. Ngài đã được sở nguyện rồi mà không thông biến lão phu trộm nghĩ như thế là không nên. “Hãy xem con thiên nga,con tê, con tượng – chúng sinh trưởng ở núi rừng , đầm nước - dễ gì săn bắt được chúng - thế mà chúng chết - chỉ vì chúng bị mắc mồi”. (2)

Cơ trí như Tô Tần,Trí Bá lẽ nào không thấy nỗi nhục nhã, chết chóc. Thế mà họ chết vì họ TỐI MẶT TRƯỚC LỢI LỘC, chỉ vì họ THAM LAM QUÁ ĐỘ. CÔNG THÀNH TỘT ĐỈNH CHÍNH LÀ LÚC HỌA VÀO THÂN. Lão phu, danh lợi đã gác ngoài tai - chỉ vì thần dân thiên hạ mà lão phu đã gặp - những lời than van rên siết mà chính lão đã được nghe - những tiếng gọi của hồn thiêng sông núi mà lão cảm nhận được – nên có mấy lời thật tự đáy lòng - thưa cùng Tướng quốc – đề hoặc Ngài rút lui về nơi thôn dã sống an nhàn để bảo toàn mạng sống và gia đình - hoặc Ngài đứng vế phía nhân dân để cùng nhân dân quật khời chống Tần đang từng bước xâm chiếm nước ta. Lịch sử dân tộc ta đã có những trang oai hùng, oanh liệt, khi có ngoại xâm. Xin Ngài hãy làm lịch sử để tên tuổi Ngài chói sáng muôn đời cho hậu thế. Xin Ngài Tướng quốc suy nghĩ kỷ.

Nói xong lão đạo sĩ bước ra khỏi cửa đi mất. Lữ tướng quốc bước vào trong thở dài, dù tự thâm tâm biết rằng lão đạo sĩ nói đúng- nhưng trước tình thế - chưa biết phải tính sao !

(1) Liệt truyện. Vệ Ưởng thuyết phục Tần Vương.
(2) Liệt truyện . Thái Trạch khuyên Phạm ứng hầu.



TRẦN BÌNH





Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật Website:

Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com